NGUỒN GỐC HỌ MA - TÀY PHÚ THỌ


Mời các pỉ noọng xem một bài viết khá lâu rồi về nguồn gốc của họ Ma ở Cẩm Khê, Phú Thọ. Bài viết có nhiều chi tiết lịch sử phản ánh cuộc chiến Âu Việt - Lạc Việt, mối tương tác Tày - Thái cổ và Việt - Mường cổ, pỉ noọng cùng đọc, suy ngẫm:
Vào thời Hùng Vương chi thứ 18, đời Hùng Duệ Vương thứ I (theo Ngọc phả họ Ma thì Hùng Vương thứ 18 có ba đời ) bộ tộc người Tày họ Ma ở chân núi Ðọi Ðèn huyện Cẩm Khê do Ma Khê là tộc trưởng đã triệu tập binh mã giúp Hùng Vương đánh thắng giặc, giữ yên bờ cõi cho nước Văn Lang. Ma Khê được Hùng Duệ Vương phong chức "Ðại tướng quân" trấn giữ phía tây thành Phong Châu. Ðến đời Hùng Duệ Vương thứ II, do tài đức và lập nhiều công lớn, ông lại được Vua phong "Phụ Quốc Ma Vương Ðại Thần Ðại Tướng Quân".
Ma Khê sinh một trai, một gái. Con trai là Ma Xuân. Con gái gọi là nàng Huệ, Huệ Nương. Huệ Nương lấy Bảo Công là Lạc tướng đời Hùng Duệ Vương thứ III. Ma Xuân, con cả Ma Khê, cũng là tướng nhà Hùng. Ma Xuân sang sông xây thành. Vì là thành của người Tày họ Ma nên gọi là Ma Thành. Tránh từ "Ma" trong tiếng Việt nên Ma Thành gọi là Thành Mè. Ngày nay thị xã Phú Thọ vẫn có dấu tích khu vực thành Mè và chợ Mè, bến Mè là bến sông do người họ Ma lập ra.
Hùng Duệ Vương thứ III, cuối thời Hùng Vương thứ 18 không có con trai, triều đình lại lung lay, bên ngoài thì Thục Phán nhòm ngó cướp ngôi, bên trong thì rối loạn. Lạc Tướng Bảo Công, con rể Ma Khê, định củng cố thế lực đoạt ngôi Vua. Nhưng một đêm ngủ tại Ma Thành cùng anh vợ, có thần về báo mộng quở trách, nên từ bỏ ý định làm loạn.
Thục Phán cướp ngôi, sáp nhập Âu Việt với Lạc Việt thành nước Âu Lạc rời đô về Cổ Loa xây thành để giữ nước. Cha con Ma Khê, Ma Xuân, Bảo Công không hợp tác với nhà Thục trở về sinh sống ở đất Hoa Khê chân núi Ðọi Ðèn, nay thuộc các xã Tình Cương, Văn Khúc, Chương Xá, Cát Trù, Thạch Ðê của huyện Cẩm Khê. Vùng đất Cẩm Khê thời cổ đại là địa bàn của người Tày họ Ma làm chủ. Khi Việt Nam được chia thành quận huyện thì được gọi là huyện Ma Khê, rồi Kim Khê, Hoa Khê để sau này thành huyện Cẩm Khê. Khê không chỉ có nghĩa đèo dốc mà còn mang tên vị đại tộc trưởng người Tày đã có nhiều đóng góp cho nhà nước Văn Lang dưới thời Vua Hùng thứ 18.
Theo ngọc phả Ma tộc thì năm 246 trước công nguyên Ma Xuân thay cha làm tộc trưởng họ Ma đã rời cả bộ tộc từ vùng núi Ðọi Ðèn sang Ma Thành để mở mang điền ấp, sinh cơ lập nghiệp tại đất mới, nay là thị xã Phú Thọ.
Năm 259 trước công nguyên, Phụ quốc Ma Khê 95 tuổi, mất tại thành Mè. Nhân dân thành Mè lập ngôi đền Sở để thờ cụ. Người ta cũng xây ngôi miếu Mẫu để thờ cụ bà Ma Khê ở trước cửa phía đông chợ Mè ngày nay. Năm 1947 giặc Pháp phá hủy mất ngôi đền Sở và đình Mè, nay chỉ còn miếu Bà.
Ở Gò Làng, chân núi Ðọi Ðèn, nhân dân làng Văn Khúc cũng xây đền thờ Phụ Quốc Ðại Thần, Ðại tướng quân Ma Khê, đó là đền Kim Giao. Làng Văn Khúc cũng xây đền, sau là đình làng thờ nơi Vua Hùng gặp Quế Anh Phu Nhân (mẹ các công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa) và đây cũng là nơi thuở trước Vua Hùng thường hội kiến với Ma Khê và con rể Nguyễn Tuấn, người Mường, quê ở vùng sông Ðà núi Tản, khi chết được gọi là Tản Viên Sơn Thánh, là một trong tứ bất tử của thần điện Việt Nam.
Tương truyền từ Văn Khúc Ðọi Ðèn, Ma Khê sang lấy vợ bên làng Vi cạnh Ðền Hùng. Làng Vi cũng là địa bàn cư trú của người Tày Thái cổ. Khu vực họ ở đầy tre các loại. Ngôn ngữ Tày Thái gọi tre là Pheo. Nên ở đây mới có bản Pheo đồng thời người Việt cũng gọi đấy là xóm Tre. Trong ba ngọn núi thiêng ở Ðền Hùng, Tam Sơn cấm địa, trong tâm thức Việt Nam có ngọn núi nhỏ nhất mang tên Tày là núi Nỏn, đồng thời nó cũng mang tên Việt là núi Út (nỏn là út).
Theo ông Lê Tượng, nguyên Trưởng ban quản lý Ðền Hùng, ở khu vực Ðền Hùng có một tấm bia ghi địa danh của 50 khu ruộng mà một nửa trong số đó được gọi là Na (vì người Tày gọi ruộng là na) như Na Hưu, Na Dầu, Na Hoàng, v.v.
Hẳn rằng Vua Hùng thứ 18 biết rõ chỉ có người Tày mới hiểu biết về người Tày hơn ai hết; nên triều đình mới trao quyền cao chức trọng và cho trấn giữ biên giới phía tây để ngăn chặn người Âu Việt tràn xuống đánh chiếm Lạc Việt.
Phú Thọ thời Hùng Vương là địa bàn cư trú xen kẽ giữa hai nhóm tộc người Việt Mường và Tày Thái cổ. Suốt thời cổ đại, trung đại, các nhóm Việt cổ tràn xuống khai khẩn vùng trung châu. Do tiếp biến văn hóa, họ trở thành người Kinh. Về sau Phú Thọ thành nơi đất rộng người thưa mà vùng đồng bằng thì càng ngày càng đông người chật chội nên từng nhóm cư dân người Kinh lại tràn lên sinh sống ở miền đất cổ này. Lâu dần người Kinh lại có đa số dân, người bản địa vẫn bám trụ ở đây trở thành người thiểu số. Ðến thời Lê, để phân biệt với các làng người Kinh, triều đình cho gọi các điểm cư trú của người thiểu số là động Man. Ta còn nhớ có các động Trúc Phê ở Hưng Hóa, động Hoa Khê ở Cẩm Khê, động Phú An ở thị xã  Phú Thọ. Ðộng Phú An cũng do người Tày từ Hoa Khê đến, nên thị xã Phú Thọ cũng từng được gọi là Hoa Khê động. Ở Tam Nông còn có động Khuất Lão (xã Văn Lang) và động Lăng Xương (Trung Nghĩa, Thanh Thủy)... Người thiểu số khi ấy có nhóm người Mường tách từ người Lạc Việt và người Tày tách từ nhóm Âu Việt. Các nhóm thiểu số ở vùng ngoài Phú Thọ lâu dần cũng do tiếp biến văn hóa mà thành người Kinh. Từ người Mường có các họ Ðinh, Quách, Bạch, Hà, Bùi. Từ người Tày có các họ Ma, Mè, Mai. Mai, Mè đều do biến âm từ họ Ma mà thành. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương thì ở huyện Thanh Ba gần đây vẫn còn những ngôi miếu Mường (miếu của người Mường khi xưa).
Họ Ma người Tày còn để lại khá nhiều dấu ấn ở Ðất Tổ bằng các truyền thuyết, thần tích, ngọc phả và hàng loạt di tích thờ cúng ở Cẩm Khê, Trù Mật, Phú An, Ðền Hùng... Ðoạn sông Hồng từ Yên Bái về Việt Trì do người Tày ở chính hai bên nên nó được mang tên theo ngữ hệ Tày Thái là sông Thao do biến âm, gọi chệch từ  Nậm Tao mà ra.
Họ Ma người Tày ở Phú Thọ nay hầu hết đều khai lý lịch là dân tộc Kinh. Rất ít người vẫn khai dân tộc Tày. Thậm chí trong một gia đình thì anh khai là người Kinh, các em khai là dân tộc Tày. Ðiển hình như gia đình tộc trưởng Ma Ngọc Bảo ở Việt Trì, các em ông như ca sĩ Ma Thị Bích Việt vẫn khai lý lịch từ trước là người Tày. Ông Bảo và các con khai là người Kinh. Anh em họ mạc nhà ông hiện có rất đông là người Tày ở Lục Yên Châu, Tuần Quản (Yên Bái) và Ðầm Hồng (Tuyên Quang).
Ông Ma Ngọc Bảo đời thứ 77 tính từ cụ tổ Ma Khê (thời Hùng Vương thứ 18) hiện là trưởng họ Ma. Vì thế ông được cha ông trao truyền cho giữ ngọc phả của Ma Tộc và phả hệ của dòng họ nhà mình.
Tính từ cụ Ma Khê đến nay đã có 79 đời, tức là cháu đích tôn của ông Ma Ngọc Bảo là Ma Tân Thành, sinh năm 2005...
Họ Ma trải qua mấy nghìn năm, cũng trải qua nhiều thịnh suy bĩ thái. Ðến đời tộc trưởng thứ 44 Ma Phúc Vinh cùng vợ là Nguyễn Thị Bích lại đưa gia nhân trở về sau loạn 12 xứ quân để tu sửa lại Ma Thành,  củng cố bộ tộc, lập từ đường thờ "Ma Tộc thần tướng Ma Xuân Trường". Còn các cụ tổ về trước thì tôn là thượng tổ và cao tổ vẫn thờ ở các đền miếu từ trước.
Vì dân tộc Tày họ Ma lớn, địa bàn trải rộng khắp nơi, năm 1902 họ Ma phải chia nhỏ thành ba nhóm cho tiện bề sinh hoạt cúng tế tổ tiên.
- Nhóm trưởng (nay ở Việt Trì) được giữ ngọc phả và cúng tế tại  các đình miếu công.
- Nhóm hai được giữ thanh kiếm thờ cụ Tổ.
- Nhóm ba được giữ ngựa gỗ thờ của Tổ .
Nhóm hai và nhóm ba được cúng tại các nhà chi trưởng của mỗi nhóm.
Nhờ có ngọc phả họ Ma người Tày ở Phú Thọ và cả nước, chúng ta có dịp hiểu hơn về lịch sử nước nhà từ thời Hùng Vương thứ 18 về sau này. Qua đây càng sáng rõ hơn Phú Thọ là quê hương Ðất Tổ.
NGUYỄN HỮU NHÀN
Nguồn: báo điện tử nhân dân - 2009

Popular Posts

Các thì trong tiếng Tày - Nùng

LỊCH SỬ DÂN TỘC THÁI (THÁI LAN)

SLON PHUỐI TÀY - NÙNG. BÀI 11

CẨU CHỦA CHENG VÙA (CHÍN CHÚA TRANH VUA)

SLON PHUỐI TÀY - NÙNG. BÀI 27

Popular Posts

Các thì trong tiếng Tày - Nùng

CẨU CHỦA CHENG VÙA (CHÍN CHÚA TRANH VUA)

LỊCH SỬ DÂN TỘC THÁI (THÁI LAN)

VẤN ĐỀ ÂU VIỆT VÀ LẠC VIỆT

Mac phì phà - Quả nhót Tây

Popular Posts

CẨU CHỦA CHENG VÙA (CHÍN CHÚA TRANH VUA)

SLON PHUỐI TÀY - NÙNG. BÀI 1

Các thì trong tiếng Tày - Nùng

VẤN ĐỀ CƯƠNG VỰC NƯỚC ÂU LẠC

VẤN ĐỀ ÂU VIỆT VÀ LẠC VIỆT

TRUYỀN THUYẾT TÀY - NÙNG: 3 TRUYỆN

MỘT GIẢ THIẾT VỀ SỰ PHÂN CHIA CÁC DÂN TỘC TÀY, NÙNG

Người truyền lệnh bằng tiếng Tày trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

SLON PHUỐI TÀY - NÙNG. BÀI 24

SLON PHUỐI TÀY - NÙNG. BÀI 42